Pages

Powered by Blogger.

Tuesday, May 5, 2015

Những địa điểm du lịch tại Hà Nội



Hồ Hoàn Kiếm

Đẹp như một lẵng hoa giữa lòng thành phố, hồ Hoàn Kiếm được bao quanh bởi các đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay. Ba con phố này dài khoảng 1.800m. Mặt nước hồ là tấm gương lớn soi bóng la đà những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha tóc rủ, những mái đền, chùa cổ kính, tháp cũ rêu phong, các toà nhà mới cao tầng vươn lên trời xanh.


Trước đây hồ có tên là Lục Thủy vì sắc nước bốn mùa xanh trong. Thế kỉ XV, hồ Lục Thủy đổi tên là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm), gọi tắt là hồ Gươm. Cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với câu chuyện trả gươm cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ.

Đền Ngọc Sơn
Đền được xây dựng trên đảo Ngọc, trong hồ Hoàn Kiếm cùng với Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc (cầu đậu nắng ban mai), lầu Đắc Nguyệt (lầu được trăng), đình Trấn Ba (đình chắn sóng) và đền chính hợp thành cụm di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật và danh lam, thắng cảnh tiêu biểu của thủ đô.
Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.
Tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) dưới bóng cây đa cổ thụ, ở giữa một vùng cây cối um tùm, trông như từ dưới nước nhô lên.

Tháp Hòa Phong
Tháp đứng trên vỉa hè bên phía hồ Hoàn Kiếm đối diện với Trung tâm Ngoại vụ Bưu điện Hà Nội qua trục đường Đinh Tiên Hoàng.

Đây là di vật còn sót lại của chùa Báo Ân, còn gọi là chùa Quan Thượng, một quần thể kiến trúc Phật giáo nổi tiếng một thời. Nguyên là vào giữa thế kỷ XIX ở chỗ này và toàn thể khu vực trung tâm Bưu điện có một ngôi chùa lớn. Khuôn viên hình tám cạnh gồm hai chục nếp nhà, nhà thờ Phật, nhà thờ Mẫu, nhà in Kinh, nhà cho các sư ở, cả thảy trên một trăm gian, bên trong trang trí rất tráng lệ. Ngoài chùa là hồ sen.

Chùa Một Cột
Là một cụm kiến trúc gồm ngôi chùa và tòa đài xây dựng giữa hồ vuông. Cả cụm có tên là đài Liên Hoa. Đài này lâu nay quen gọi là chùa Một Cột, hình vuông, mỗi bề 3m, mái cong, dựng trên cột đá hình trụ. Cột có đường kính 1,20m; cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất) đỡ một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi đài dựng bên trên khác nào một đóa hoa sen vươn thẳng trên khu ao hình vuông có lan can bằng gạch bao quanh.


 Từ bên ngoài có lối nhỏ bằng gạch đi qua ao đến một chiếc thang xinh xắn dẫn lên Phật đài. Trên cửa Phật đài có biển đề "Liên Hoa đài" (Đài hoa sen) ghi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây chùa.

Thành cổ Hà Nội
Thành cổ xưa nằm trong một khuôn viên khá rộng, phía tây giáp phường Hoàng Diệu, phía đông giáp đường Nguyễn Tri Phương, phía nam giáp đường Trần Phú, phía bắc giới hạn bởi phố Phan Đình Phùng, thuộc quận Ba Đình.
Năm công trình kiến trúc cổ còn sót lại sau khi Pháp phá thành Hà nội, tính từ phía nam lên bắc gồm các hạng mục sau: Cột cờ, cửa Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu và cửa chính Bắc Môn.

Cột Cờ
Cột cờ là một trong những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành cổ Hà Nội còn nguyên vẹn.
Cột cờ nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quân đội, đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Hồ Trúc Bạch
Hồ Trúc Bạch cách Hồ Tây bởi con đường Thanh Niên. Đường Thanh Niên có từ năm 1957 - 1958 theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi hồ được thanh niên học sinh Hà Nội lao động trong những ngày thứ bảy cộng sản mở rộng như ngày nay. Trước gọi là đường Cổ Ngư, hình thành từ một con đê hẹp được đắp ngăn một góc Hồ Tây.


Ven hồ Trúc Bạch có nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc đặc sắc như đền Quán Thánh ở ngay góc tây nam hồ. Phía đông có chùa Châu Long (phố Châu Long), tương truyền xây từ thời Trần, là nơi tu hành của công chúa con vua Trần Nhân Tông. Có đền An Trì, nơi thờ Uy Đô, một anh hùng chống quân Nguyên.

Hồ Trúc Bạch cùng với công viên Lý Tự Trọng và Hồ Tây tạo thành một tổng thể thiên nhiên hài hoà, làm thành một thắng cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội.

Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Quảng trường là nơi chứng kiến hàng trăm nghìn người về dự lễ Độc lập ngày 2-9-1945. Ngày 9-9-1969, sáu ngày sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, tại Quảng trường này, đồng bào thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới đây dự lễ truy điệu trọng thể vị Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất.

Ngày nay, mặt chính của quảng trường là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lăng là khoảng không gian rộng lớn với 320m chiều dài và 100m chiều rộng, đủ chỗ cho 200 nghìn người dự mít tinh. Quảng trường có 168 ô cỏ bốn mùa xanh tươi. Chính giữa là cột cờ. Quảng trường Ba Đình đã trở thành không gian thiêng liêng của thủ đô Hà Nội.



Nhà sàn Bác Hồ
Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Hàng rào dâm bụt bao quanh nhà, cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau. Đó là ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 17-5-1958 cho tới khi Người qua đời.

Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là hai phòng nhỏ, nơi Bác làm việc và phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở quanh năm.

Nhà Hát Lớn
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền.
Nhà hát lớn Hà Nội là công trình văn hoá vào bậc nhất nước ta được xây dựng vào năm 1902 và khánh thành năm 1911.

Khu phố cổ Hà Nội
Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.

Khu phố cổ Hà Nội thường được gọi là khu 36 phố phường nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, có diện tích là 100 ha, được giới hạn phía bắc là đường Hàng Đậu, phía nam là các đường phố Hàng Bông - Hàng Gai - Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông là đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, phía tây là đường Phùng Hưng.

Ô Quan Chưởng
Nối từ đường Trần Nhật Duật đến cửa ô Quan Chưởng, thông ra phố Hàng Chiếu. Cửa ô này mở qua tường phía đông của tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long xưa. 
Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của toà thành Thăng Long cũ xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay.

Hồ Tây
Hồ Tây, mặt gương của Hà Nội, có diện tích rộng hơn 500 ha với một bề dày lịch sử mấy nghìn năm. Đường vòng quanh hồ dài tới 17km.
 Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh rằng hồ là một đoạn sông Hồng cũ còn rớt lại sau khi sông đã đổi dòng... Có thể do sông hồ biến đổi như vậy mà đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về hồ và tên gọi của hồ. Ví như theo truyện "Hồ Tinh" thì có tên là hồ (hoặc đầm) Xác Cáo, vì truyện kể là có một con cáo chín đuôi ẩn nấp nơi đây làm hại dân. Long Quân mới dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ.

Đền Kim Liên
Đền Kim Liên (hay còn gọi là đền Cao Sơn), nay thuộc phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội, là một trong “Thăng Long tứ trấn” của kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với truyền thuyết về vị thần Cao Sơn mà còn về lối kiến trúc xưa, mang đậm bản sắc dân tộc.
Đền Kim Liên là một trấn ở phía nam thành Thăng Long, cùng với đền Quán Thánh trấn phía bắc (còn gọi là Trấn Vũ), đền Bạch Mã ở phía đông, đền Voi Phục phía tây (còn gọi là Thủ Lệ, Linh Lang) họp thành Thăng Long tứ trấn tạo nên ý nghĩa và tầm vóc của mảnh đất kinh kỳ.Đền trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đình thờ thần Cao Sơn.

Đền Voi Phục
Đền Voi phục nằm ở 261, Thụy Khuê, Phường Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Sở dĩ gọi là đền Voi Phục vì tại cửa đền có đắp hai con voi quỳ ngay ở cổng đi vào. Đền còn có tên là đền Thủ Lệ; Linh Lang do thờ thần Linh Lang đại vương. Đền nằm phía tây kinh thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Cầu Giấy, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền là một trong "Thăng Long tứ trấn", được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ bảy (1065) đời vua Lý Thánh Tông. Tương truyền Linh Lang là con trai thứ tư của ông.

Đền Quán Thánh
Đền hiện ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, đời Lê thuộc đất phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía nam Hồ Tây. Đền được lập từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (năm 1010). Vua cho rước bài vị của thần về ở phía tây bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế quán. Quán là nơi thờ tự của đạo Giáo, dân chúng quen gọi là đền Trấn Vũ hoặc đền Quán Thánh.

Đền hiện nay có sáu bia, kiến trúc, trang trí của đền hiện nay mang phong cách thời Nguyễn.

Đền Bạch Mã
Đền thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 Đền thờ thần Long Đỗ tức Bạch Mã, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long. Theo một bộ sách soạn ở thế kỷ XIV thì chính thần Bạch Mã đã cảnh cáo Cao Biền, một viên quan Trung Quốc, sang cai trị, khoảng thời gian từ năm 866 đến năm 875, khiến y sợ hãi phải lập đền thờ. Một truyền thuyết khác kể thêm: khi vua Lý Công Uẩn định đô Thăng Long (1010), xây thành mà cứ bị sụt lở, ông tới đây cầu lễ và lạ thay, một buổi sáng chợt thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy vòng quanh khu vực đang xây thành, chạy đến đâu để dấu chân đến đấy rồi trở lại đền và vụt biến. Vua Lý cứ theo vết chân ngựa mà xây, thành không lở nữa. Vua bèn phong thần Long Đỗ làm thành hoàng bảo vệ cho Thăng Long. Từ đó thần có thêm tên là Bạch Mã.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám
 Nằm trên Đường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trường học cổ của kinh thành Thăng Long và là trường đại học đầu tiên ở vùng Đông Nam Á. Văn Miếu không những là một di tích lịch sử - văn hoá cổ kính, mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, khoa học đậm đà bản sắc dân tộc của thủ đô Hà Nội.



No comments:

Post a Comment