Pages

Powered by Blogger.

Tuesday, May 5, 2015

Các cách câu cá lóc

1. Câu nhắp
Khi câu ở ruộng lúa hay ao hồ, đầu bàu … có lúa hay những vạt cỏ mọc cao và dày ta mới áp dụng cách câu nhắp. câu nhắp là cách đứng tại chỗ rồi rung nhẹ đầu cần câu, sao cho cục mồi cứ nhảy lên nhảy xuống trên mặt nước, giữa các bụi lúa, bụi cỏ cao nhằm đánh lừa con cá lóc, tin chắc đó là con nhái đang nhảy.

Câu nhắp, mặc dù cục mồi nhảy lỏm bỏm liên tục dưới nước, nhưng không làm cho cá lóc sợ hãi, vì nó ẩn mình trong đám cỏ cao, trong lúa nở bụi dày nên nó cảm thấy được an toàn. Và tuy người câu không tài nào nhìn thấy được hình dạng con cá, nhưng có thể đoán được con cá lóc đó lớn đến cỡ nào! Đó là nhờ vào độ rung của ngọn cần câu truyền cảm giác qua cánh tay đang cầm cần. Độ rung đó càng mạnh thì cá càng to. Cá lóc khi đã ăn mồi rất dễ biết, đầu tiên nghe rõ một tiếng “bặp”, đó là tiếng cá táp mồi. Và khi lưỡi câu đã dính mép thì nó hoảng hốt phóng chạy như điên.

2. Câu rê

Khi bãi câu là đám ruộng lớn, hay ở ao hồ, bàu đìa sâu mà mặt nước trống trải, hoặc chỉ là lúa mới cấy, hay chỉ có cỏ mọc thấp và lưa thưa, ta mới dùng cần câu rê cá lóc.


Câu rê là khéo léo rê cục mồi chạy là là trên mặt nước một đoạn dài từ năm mười mét đến vài chục mét, bắt chước cách con nhái bơi qua mặt nước một mạch không ngơi nghỉ vậy. Cứ rê con mồi đi qua, sau đó lại thu mồi về, để tiếp tục rê theo chiều cũ. Nhưng, trước khi câu theo cách này, thường ta phải bỏ công sức ra để dọn một bãi câu.

Do đường câu rê khá dài, khác với cách câu nhắp chỉ nhắp con mồi tại chỗ, nên phải tạo bãi câu trước khi câu. Đó là cách tém dẹp đám cỏ dạt sang hai bên, để ở giữa ruộng hay ao hồ có một “đường nước” trống trải, chiều ngang lý tưởng là trên 2m, và chiều dài là từ bờ này sang tận bờ kia của đám ruộng hay ao hồ đó, lý tưởng là trên 15m.

Do có đường câu rê khá dài và trống trải như vậy, nên khi ta rê lưỡi câu đi qua không gặp một vướng víu nào.

Tạo xong bãi câu, phải chờ một đôi ngày để chờ bùn lắng hết xuống đáy giúp nước trong trẻo trở lại, đồng thời đủ thời gian để bầy cá lóc sống trong ao hồ đó “hoàn hồn lại vía” thì chúng mới dạn dĩ ăn mồi.

Người câu rê đứng ở khoảng giữa bãi câu, tì cái nạng ở gốc cần lên phía trên đầu gối chân mặt, còn tay mặt thì giữ cần câu để nhịp nhàng rê mồi từ đầu luồng đến cuối luồng. Cá lóc, cá bông đang ẩn mình dưới cỏ để rình mồi, chợt thấy có con nhái (mồi) nhởn nhơ nơi giữa dòng nước trống trải, chúng liền phóng theo đớp mồi nghe tiếng “bặp”, thế là đúng lúc giật cần được cá.

Cái khó khăn của cách câu rê là phải biết cách móc mồi vào lưỡi câu. Mồi nhái khi móc vào lưỡi câu phải chừa cái chân chĩa ra ngoài, để khi rê mồi cái chân đó sẽ rẽ nước như cách con nhái bơi thật vậy, nhờ đó cá lóc dù đa nghi cũng bị lầm lẫn. Khi nó phát giác ra thì mọi chuyện đã rồi. Nếu dùng mồi thằn lằn, cũng phải chừa chân lòi ra như vậy.

Điều cần nhớ thứ hai là mồi phải phủ kín lưỡi câu để khi cá lóc vừa đớp mồi không có cảm giác đau đớn, từ đó nó mới yên tâm ngậm trọn con mồi vào miệng. Đến khi nó thấy đau đớn thì lưỡi câu đã dính vào mép rồi.

Điều cần nhớ thứ ba, khi móc mồi xong, phải dùng thân một đoạn cỏ gài giữa mũi lưỡi câu với nơi xỏ sợi cáp để khi nhắp tay rê mồi lưỡi câu không vướng vào cỏ. Đi câu mà để lưỡi câu liên tục vướng vào cỏ thì mỗi lần lội xuống gỡ lưỡi sẽ làm cho cá sợ hãi mà tản mát đi xa.


3. Câu cắm
Với cách câu cắm, ta có thể câu cả ngày lẫn đêm, nhưng kinh nghiệm cho thấy câu đêm trúng đậm hơn câu ban ngày. Vì rằng ban đêm cá lóc có thói quen kiếm ăn gần bờ, và chúng cũng tìm chỗ ngủ sát bờ ruộng, bờ ao. Mặt khác, ban đêm yên tĩnh, cá “chịu” ăn mồi hơn.


Khi chọn được bãi câu, ta cứ men dọc theo bờ ruộng hay bờ ao, hồ mà cắm cần. Trước hết, cần phải cắm sâu vào bờ đất (đất giẻ cứng thì cắm cạn, gặp đất mềm phải cắm sâu) để phòng khi gặp cá lóc to mắc câu sẽ quẫy mạnh “nhổ” cần tha đi mất.

Cắm cần xong mới mắc mồi vào lưỡi. Nếu mồi là nhái còn sống thì móc lưỡi câu vào một đùi của con nhái đó. Còn nếu mồi bằng cá rô, các sặc còn sống thì móc lưỡi câu trên lưng cá mà thôi. Cách móc mồi như vậy là nhằm mục đích để con mồi tự do bơi lội trên mặt nước, giúp cá mau phát hiện mà đến cắn câu.

Nếu là mồi trùn, ta nên móc cục mồi cho to, để mùi tanh của trùn lan toả rộng trong nước giúp cá lóc đánh hơi mà tìm đến.

Đi câu cắm khoảng một đôi giờ phải đi giáp vòng một tua để thăm cần một lần. Cũng khởi đầu từ điểm xuất phát. Đến thăm cây cần đầu tiên, ta nhẹ nhàng nhấc nhợ câu lên quan sát: nếu cá mắc câu thì gỡ ra bỏ giỏ, sau đó móc lại mồi mới. Nếu cá không dính mà đã mất mồi thì móc lại mồi khác. Trong trường hợp cá đã nghiến mất lưỡi câu thì tóm lại lưỡi mới. Cũng gặp trường hợp mất luôn cần thì biết chắc chắn là cá đã nhổ cần mà lôi đi, thì nên rọi đèn thăm dò xem cần có vướng vào đám rong cỏ nào gần đó không. Nếu tìm không ra thì cắm vào đó một cần mới. Kiểm soát xong cần thứ nhất, ta lại đến thăm cần thứ hai, thứ ba …

No comments:

Post a Comment